Phố tân cổ giao duyên

Không mang nét cổ kính như khu phố Chi Lăng, hiện đại như đường Hùng Vương, đường Trần Hưng Đạo mang trong mình chút gì của thập niên 70 còn sót lại và pha lẫn chút tân thời du nhập từ khắp nơi tích góp lại

Hình thành từ những năm đầu thế kỷ 19 nhưng mãi đến đầu thế kỷ 20 đường mang tên Phố Trường Tiền, đường Paul Bert – nối dài từ cầu Bạch Hổ đến cầu Gia Hội, năm 1977 được mang tên Trần Hưng Đạo. Ngày nay, mặc dù nằm trên một con đường nhưng chia hai và mang tên khác nhau – đoạn Trần Hưng Đạo, đoạn Lê Duẩn.

Đường Trần Hưng Đạo dường như được chia thành hai nửa, một là thương trường tranh đua gắt và con người đã lấy đi vẻ tự nhiên của nó. Đây là trung tâm thương mại của thành phố Huế, với đủ các mặt hàng từ áo quần, giầy dép, văn hoá phẩm đến các mặt hàng điện tử, hàng lưu niệm… Và tấp nập người mua, kẻ bán, không khí vồn vã, sôi động. Một nửa thuộc về thiên nhiên, bởi con người chưa lấy đi những gì vốn có của nó.

Chỉ cần bước sang bên kia đường là chấm hết không khí náo nhiệt, thoát khỏi âm thanh và hơi thở của nhịp sống hiện đại. Thản nhiên từng bước trên con đường ngoằn ngoèo chạy dọc theo bãi cỏ xanh mướt bên bờ sông Hương, những bãi cỏ hun hút chạy dài từng được người Pháp đặt cho cái tên mỹ miều: Thảm cỏ Đông Dương.

Hằng năm, bên bờ sông Hương dọc đường Trần Hưng Đạo là nơi tổ chức hội thi hoa xuân, hội thi chim cảnh, vốn là một thú chơi tao nhã của người Huế. Và cũng là nơi thường diễn ra các lễ hội như lễ hội đua ghe truyền thống vào ngày 26/3, thả đèn trên sông Hương dịp rằm tháng tư. Buổi trưa, giờ tan trường những chiếc nón bài thơ, mái tóc thề và những tà áo dài nữ sinh tung tăng qua cầu Trường Tiền khiến phố xá thêm duyên.

Đường Trần Hưng Đạo, là trung tâm thương mại của Huế, đã hơn 100 năm hình thành và phát triển, một cái tên khi nhắc đến khiến nhớ chợ Đông Ba. Ban đầu là chợ Quy Giả, trước nữa là trường Tiểu học Pháp – Việt Đông Ba, nơi thời niên thiếu Chủ tịch Hồ Chí Minh đã học những năm cuối cấp tiểu học. Chợ Đông Ba, vốn là chợ Đông Hoa nhưng vì phải tránh chữ huý, Hoa là tên của bà Hồ Thị Hoa, vợ vua Minh Mạng nên đổi thành Đông Ba.

Chợ là điểm tiếp giáp các đầu mối giao thông, nơi bến đò dọc chở khách, hàng hoá đi khắp các vùng, từ vùng núi đồi xuống cả vùng biển. Và đường Trần Hưng Đạo trở nên sầm uất bắt nguồn từ đây, trung tâm thương mại này. Chợ Đông Ba, mua bán các mặt hàng từ nông sản, gia vị đến hàng mỹ phẩm và hàng lưu niệm, đặc sản Huế…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *